Nội Dung
Trong báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế tháng 3, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định mặc dù vẫn còn một số yếu kém do đại dịch COVID-19, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục cho thấy những chuyển động khởi sắc.
Về triển vọng, văn phòng nhấn mạnh cần lưu ý những tác động của việc giá nguyên liệu thô tăng và sự biến động trên thị trường chứng khoán và tiền tệ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Báo cáo cũng nhận định giá bán buôn “tăng trong thời gian gần đây”, loại bỏ cụm từ “vừa phải” trong nhận định đưa ra trước đó, trong khi giá tiêu dùng được mô tả là “tăng vừa phải trong thời gian gần đây”, thay cho từ “ổn định”.
Báo cáo nhận định nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, trong đó có lúa mì, dự kiến sẽ tăng từ tháng 4 tới và sự gia tăng giá tiêu dùng có thể vượt xa tốc độ tăng lương.
Đánh giá về lợi nhuận của doanh nghiệp đã được nâng cấp lần đầu tiên trong 7 tháng qua, lên mức “cải thiện tổng thể”, phản ánh thu nhập khả quan đối với quý IV/2021. Trong thời gian này, các hoạt động kinh tế đã tiếp tục được nối lại sau khi tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 1/10.
Tuy nhiên, đánh giá về niềm tin doanh nghiệp hiện tại đã bị hạ xuống lần đầu tiên trong 10 tháng qua do chi phí nguyên liệu thô tăng và tình hình bất ổn liên quan căng thẳng Nga-Ukraine. Các đánh giá về các lĩnh vực khác, bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư kinh doanh, vẫn được giữ nguyên như báo cáo tháng 2.
Báo cáo mới nhất không phản ánh tác động của việc dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng “bán khẩn cấp” do COVID-19 vào ngày 22/3, theo đó các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sớm hơn để hạn chế sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 do biến thể Omicron lây lan mạnh.
Cuộc khảo sát gần đây do một công ty nhân sự Nhật Bản cho hay 55% các công ty nước này có trụ sở ở nước ngoài nhận thấy hoạt động kinh doanh của họ đang hoặc sắp bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine .
Cuộc khảo sát trực tuyến với 699 công ty Nhật Bản hoạt động tại 10 nền kinh tế do Pasona Group Inc. thực hiện vào giữa tháng 3/2022 cho thấy các công ty có trụ sở tại Pháp bị ảnh hưởng nhiều nhất cho tới hiện tại, với 92,3% trả lời rằng hoạt động của họ đã chịu tác động nhất định.
Tuy nhiên, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất được đưa vào cuộc khảo sát. Các nền kinh tế nằm trong cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 11-16/3 bao gồm Mỹ, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Xếp hạng thứ hai sau các công ty có trụ sở tại Pháp là các công ty Nhật Bản ở Malaysia với 72,0% chịu tác động, tiếp theo là Singapore với 66,7%.
Trong số 55% các công ty có trụ sở ở nước ngoài, 43,2% cho biết họ đã cảm thấy tác động của cuộc xung đột, trong khi 22,7% cho biết họ dự kiến sẽ ghi nhận ảnh hưởng trong vòng một tháng tới và 26,8% trong vòng ba tháng.
Tác động được trích dẫn nhiều nhất của nhóm đã chịu ảnh hưởng là chi phí nguyên liệu thô – bao gồm dầu, hóa chất và kim loại tăng vọt. Tiếp theo là chi phí hậu cần và giá năng lượng tăng.
Chỉ 34,6% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho biết họ đã thực hiện các biện pháp đối phó. Đối với các bước cụ thể, 54,3% trong số các công ty này đã lựa chọn việc thu thập thông tin, tiếp theo là đảm bảo lượng hàng dự trữ (32,5%) và chọn nhà cung cấp (23,5%).
Hiện các công ty sản xuất của Nhật Bản ở Ấn Độ đã có những hành động cụ thể, bao gồm bắt đầu đàm phán để tăng giá sản phẩm. Trong khi đó, một công ty thương mại ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, họ đang xem xét các điều kiện giao dịch với khách hàng Nga./.