Nội Dung
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động chính của JICA Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính 2022 (1/4/2022 đến 30/9/2022) ngày 12/10, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, JICA đã giải ngân khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (tương đương 75 triệu USD), chưa bao gồm khoản tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân.
JICA cũng hỗ trợ Việt Nam trong Dự án hợp tác kỹ thuật trị giá 4,9 tỷ yên (tương đương 34 triệu USD) và viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 5 triệu USD) với hơn 100 dự án lớn nhỏ.
Về thành tích nổi bật trong từng lĩnh vực cụ thể, báo cáo của JICA cho thấy, nhằm hỗ trợ Việt Nam chiến đấu đẩy lùi đại dịch Covid-19, tổ chức này đã cung cấp các sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế cho Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán, tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam đối với các bệnh truyền nhiễm.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, JICA hợp tác với trường Đại học Việt – Nhật từ năm 2015. Đến nay đã có 260 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sỹ và hiện có hơn 200 sinh viên và học viên đang theo học tại trường.
JICA cũng tiếp tục thực hiện hỗ trợ Việt Nam hiệp định vay vốn ODA thứ 4 cho “Dự án cải thiện môi trường nước TP HCM Giai đoạn 2” đã được ký kết vào tháng 12/2021. Riêng về công trình đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng 90%.
Trong lĩnh vực năng lượng, JICA cho biết đã ký thỏa thuận cho vay trị giá 25 triệu USD với công ty tư nhân phát triển điện gió của Việt Nam trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị.
Thông tin về kế hoạch trong thời gian tới, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị cho một cột mốc kỷ niệm quan trọng.
Ông Shimizu Akira dẫn chứng cho sự sôi động trở lại trong hợp tác giữa 2 nước thông qua loạt các dự án mà JICA sẽ tập trung triển khai sắp tới tại Việt Nam.
Trước tiên là hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, theo đại diện JICA Việt Nam, trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16 – 20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
“Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn, 30 đến 40 năm, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Shimizu Akira phân tích.
Cho rằng ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng – động lực tăng trưởng của Việt Nam, ông Shimizu Akira mong Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện.
Đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam, thông qua việc nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý bảo trì sau khi dự án kết thúc.
Thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực, JICA tiếp tục đẩy mạnh các hình thức hợp tác kỹ thuật và vốn vay nhằm hỗ trợ trường Đại học Việt – Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sỹ. Thiết lập cơ sở mới của trường tại Hòa Lạc từ năm 2023 với mục tiêu đưa Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.
Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh kỹ năng. Dự án nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thông qua việc xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.
Thứ ba là trong lĩnh vực y tế, JICA đã đưa ra “Sáng kiến Y tế toàn cầu”. Ngay cả khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, JICA cam kết hợp tác hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội với khả năng ứng phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong “Sáng kiến” này.
Thứ tư là trung hòa carbon, tức là đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng “0”. JICA cũng đang xem xét cho vay mới đối với một số dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió khác tại Việt Nam.
Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai một số hợp tác phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như: Hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường; tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về chính sách thoát nước; triển khai dự án khu công nghiệp thông minh sinh thái tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.
“Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA, đồng thời tăng cường kết nối người dân hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản – Việt Nam tiếp tục phát triển và có bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới”, ông Shimizu Akira nhấn mạnh.
ĐỌC THÊM :
Gửi măng cụt từ Bình Dương đi Nhật giá rẻ, nhanh chóng, uy tín
Vận chuyển hoa quả từ Lào Cai đi Kanagawa nhanh chóng, tiết kiệm