Nội Dung
Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) vào lãnh thổ Viêt Nam. Thông thường, hàng hóa sau khi được nhập khẩu vào một quốc gia thì sẽ được lưu lại tại quốc gia đó để phân phối ra thị trường hoặc phục vụ cho một mục đích nhất định của doanh nghiệp nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh và có lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp tạm nhập thì hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích cho lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn được xuất khẩu sang nước thứ ba.
Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào Việt Nam và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.
+ Bước 1: Người khai hải quan đăng ký, khai báo tờ khai hải quan nhập khẩu (tạm nhập) và xuất trình hồ sơ hải quan, thực tế hàng hoá (khi có yêu cầu) cho cơ quan hải quan.
+ Bước 2: Cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá (nếu có) và thực hiện thông quan hàng hoá.
+ Bước 3: Người khai hải quan đăng ký, khai báo tờ khai hải quan xuất khẩu (tái xuất) và xuất trình hồ sơ hải quan, thực tế hàng hoá (khi có yêu cầu) cho cơ quan hải quan.
+ Bước 4: Cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá (nếu có) và thực hiện thông quan hàng hoá.
– Cách thức thực hiện: Điện tử.
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ:
I. Hồ sơ hải quan tạm nhập:
a) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
b) Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:
b.1) Người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên;
b.2) Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài, người khai hải quan khai giá tạm tính tại ô “Trị giá hải quan” trên tờ khai hải quan;
b.3) Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định trị giá hải quan.
c) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hoá (cargo manifest) thay cho vận tải đơn;
d) Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan: 01 bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu nhập khẩu nhiều lần;
đ) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
Đối với chứng từ quy định tại điểm d, điểm đ nêu trên nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan;
e) Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
g) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau:
g.1) Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó;
g.2) Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;
g.3) Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử, thuế tự vệ, thuế suất áp dụng theo hạn ngạch thuế quan;
g.4) Hàng hoá nhập khẩu phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp theo thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của người sản xuất/người xuất khẩu/người nhập khẩu thì cơ quan hải quan chấp nhận các chứng từ này.
h) Hợp đồng mua bán hàng hoá nhập khẩu: 01 bản chụp;
i) Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ:
i.1) Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp: 01 bản chụp;
i.2) Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng theo quy định phải được Bộ Công Thương cấp phép: 01 bản chính.
II. Hồ sơ hải quan tái xuất:
a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC;
b) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu: 01 bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu xuất khẩu nhiều lần;
c) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
Đối với chứng từ quy định tại điểm b, điểm c khoản này, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
* Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
– Thời hạn giải quyết:
– Thời hạn tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan: ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan đúng quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 23 Luật Hải quan)
– Thời hạn hoàn thành thành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải:
+ Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan;
+ Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hoá chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hoá cho cơ quan hải quan;
Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chi cục Hải quan
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Chi cục Hải quan
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Chi cục Hải quan
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không có
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định thông quan.
– Phí, lệ phí: 20.000 đồng/ 01 tờ khai hải quan
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Mẫu tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu (theo quy định tại phụ lục III, phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không có
– Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Quốc hội;
– Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005.
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
– Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
– Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
– Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực Hải quan.
– Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hoá.
Trên đây là các thông tin Vận chuyển Việt Nhật cung cấp đến quý khách mong rằng nó sẽ giúp đỡ quý khách sao này
Ngoài ra chúng tôi còn có các dịch vụ khác như:
Dịch vụ gửi hàng xách tay đi Nhật Bản
Dịch vụ chuyển bánh chưng đi Nhật Bản giá rẻ, an toàn
Gửi mỹ phẩm từ Việt Nam sang Nhật Bản uy tín, tiết kiệm
Dịch vụ gửi hàng thực phẩm từ Việt Nam sang Nhật Bản an toàn, giá rẻ