Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3

Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3
Rate this post

Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3

Tính trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, GDP của đất nước mặt trời mọc suy giảm 0,3% so với quý trước, trái ngược kỳ vọng tăng trưởng 0,3% của thị trường, và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm ngoài dự báo trước đó của hãng thông tấn Reuters và của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản là tăng tới 1,2%.

Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3
Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3

Nguyên nhân lớn của việc sụt giảm này được trang Nikkei Asia cho là đến từ các tác động bên ngoài. Chi phí năng lượng tăng khiến kim ngạch nhập khẩu nước này tăng 5,2% so với quý 2, trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ.

Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết, đầu tư doanh nghiệp tăng trong giai đoạn này, nhưng đầu tư nhà ở tư nhân giảm.

Cũng trong giai đoạn 3 tháng trên, tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản chỉ tăng 0,3%, giảm khá mạnh từ mức tăng 1,3% trong quý tháng 4 – 6/2022.

Đồng Yen suy yếu cũng đẩy giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao. Ngoài ra, các yếu tố khác như lòng tin người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hẳn sau COVID-19 và lạm phát cũng khiến GDP quý 3 sụt giảm.

Đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm từ khoảng 115 Yen đổi 1 USD trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát xuống khoảng 140 Yen đổi 1 USD vào ngày 15/11, sau khi chạm mức thấp nhất trong 3 thập kỷ là 151 Yen/USD vào tháng trước.

Động lực chính khiến đồng Yen mất giá là sự khác biệt trong lập trường chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). BoJ vốn thường gắn bó với các chính sách nới lỏng tiền tệ lâu dài để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi FED đã thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh để giải quyết tình trạng lạm phát leo thang.

Ông Taro Saito, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI nhận định kết quả ảm đạm sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Taro Saito cho rằng sự suy giảm trong quý trên là hiện tượng xảy nhất thời và quý tháng 10 – 12/2022 sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại.

Vị chuyên gia của NLI nói thêm rằng, hoạt động tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp đều vẫn mạnh. Chiến dịch của chính phủ nhằm hỗ trợ du lịch trên cả nước cũng có thể sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng.

Trong khi 2 nhà kinh tế Masamichi Adachi và Go Kurihara của ngân hàng UBS lưu ý việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách Zero COVID-19 ở Trung Quốc và những bất ổn địa chính trị cũng là những yếu tố tiêu cực tác động đến kinh tế Nhật Bản.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng, ngoài những yếu tố trên, không thể bỏ qua lực cản dài hạn từ dân số ngày một già đi và thu hẹp dần, cũng như kỳ vọng tăng trưởng trung và dài hạn thấp của Nhật Bản.